Nhu cầu nhân lực ngành du lịch khách sạn

Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành du lịch khách sạn tăng nhưng cung chưa đáp ứng. Nhiều sinh viên đón đầu xu hướng việc làm du lịch khách sạn bằng con đường du học nước ngoài.

Những điểm nổi bật về nhu cầu nhân lực ngành quản trị khách sạn thế giới và Việt Nam trong 10 năm tới:

  • Số lao động trực tiếp làm việc trong ngành hospitality năm 2019 hơn 125 triệu người, con số này dự báo tăng lên 154 triệu người vào năm 2029.

  • Tổng số lao động làm việc trong ngành năm 2019 hơn 318 triệu lao động, con số này dự báo tăng lên 420 triệu vào năm 2029.

  • Tại Việt Nam hiện có hơn 4 triệu lao động làm việc trong ngành, dự báo cho đến năm 2029 con số này tăng lên 4,57 triệu.

  • Trong vòng 10 năm nữa Việt Nam cần thêm 500.000 lao động, tương đương với mỗi năm cần 50.000 lao động.

Năm 2018, ngành du lịch khách sạn đóng góp cho GDP Việt Nam 512.796 tỷ đồng (khoảng 22,25 tỷ USD), tương đương với 9.2% GDP. Cũng trong năm này mức tăng tưởng GDP của ngành đạt 8.5%. Dự báo các năm tiếp theo ngành này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Bạn muốn du học ngành quản trị khách sạn nhưng chưa chắc chắn về nhu cầu nhân lực ngành quản trị khách trong tương lai? Bạn muốn biết rõ câu chuyện tuyển dụng ngành này trong 10 năm tới ra sao? Bài viết này tôi sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về nhu cầu nhân lực trong ngành trên thế giới và tại Việt Nam

Số liệu được lấy trong bài được trính dẫn từ các báo cáo đánh giá tác động du lịch của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC).

Nhu cầu nhân lực ngành du lịch thế giới trong 10 năm nữa

Số liệu từ bảng thống kê cho chúng ta biết năm 2018 có hơn 318 triệu người làm việc trong du lịch – lữ hành trong đó có 122 triệu người làm công việc trực tiếp liên quan đến ngành.

Năm 2019 dự báo tổng số lao động làm việc trong ngành tương đương với 328 triệu người, tăng thêm 10 triệu người so với năm 2018. Dự báo 10 năm nữa ngành này cần thêm hơn 92 triệu lao động, trong đó có hơn 28 triệu lao động trực tiếp.

Như vậy nhu cầu lao động ngành du lịch khách sạn tiếp tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo, mỗi năm thế giới cần thêm tổng cộng gần 10 triệu lao động.

Số lao động làm trong ngành du lịch toàn cầu

Số lao động làm việc trong ngành du lịch khách sạn toàn cầu

Nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch tại Việt Nam trong 10 năm tới

Số liệu từ WTTC cho biết tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc trong ngành du lịch – lữ hành hơn 4 triệu người. Dự báo con số này sẽ tăng lên 4,5 triệu người vào năm 2029.

Điều này đồng nghĩa với Việt Nam cần thêm 545.000 lao động cho ngành du lịch – lữ hành trong vòng 10 năm nữa, tương ứng với mỗi năm cần hơn 54.500 lao động.

Nhu cầu nhân lực ngành du lịch tại Việt Nam

Nhu cầu nhân lực Việt Nam

Thực trạng lao động Việt Nam trong ngành du lịch khách sạn

Nhu cầu lao động việc làm trong ngành rất lớn. Tuy nhiên các nhà điều hành du lịch Việt Nam luôn than phiền về lao động trong ngành. Họ đánh giá nguồn nhân lực Việt Nam thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

1. Thiếu về số lượng

Báo cáo của Tổng cục Du lịch mỗi năm Việt Nam cần thêm 40.000 lao động làm việc cho ngành du lịch nhưng chỉ các trường chỉ cho ra lò 15.000 lao động. Con số này cho thấy nguồn lao động được đào tạo đúng chuyên môn chỉ đáp ứng được 37.5% nhu cầu của thị trường, số còn lại từ những ngành khác chuyển sang.

Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy.

Báo Thanh Niên, “Nhân lực ngành du lịch thiếu hay yếu?“, truy cập ngày 8/8/2019

2. Yếu về chất lượng

Cũng theo báo cáo từ Tổng cục Du lịch thực trạng lao động có chuyên môn du lịch chỉ chiếm 43%, trong đó hơn một nữa không biết ngoại ngữ. Điều này kéo theo năng suất lao động Việt Nam rất thấp khi đem ra so sánh với một số nước trong khu vực.

Theo Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động trong ngành du lịch nước ta chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia…

Tổng cụ trưởng Tổng cụ Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, “Nhân lực du lịch: Vừa thiếu, vừa yếu“, truy cập ngày 8/8/2019

Để khắc phục trình trạng này nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm đã diễn ra giữa ba bên doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước để tìm tiếng nói chung tháo gỡ tình hình nhân lực.

Theo đánh giá của giáo sư Michael Palmer (Đại học RMIT Việt Nam) ngành du lịch Việt Nam hiện chỉ có khoảng 3 – 4% nhân lực được đào tạo bài bản và đang thiếu hụt một lượng lớn nguồn nhân lực ở vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cấp cao.

=> Đây là cơ hội cho các bạn học sinh có niềm đam mê nghề nghiệp có sự chuẩn bị trước khi bước vào thị trường lao động du lịch nhà hàng khách sạn.

Cần chuẩn bị gì để nắm bắt cơ hội này?

Để bước vào thị trường lao động toàn cầu bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ. Công việc ngành hospitality đòi hỏi người hành nghề phải tập trung vào con người, lấy yếu tố con người làm trung tâm, giải quyết tình huống mà vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi.

Ngành nghề này đòi hỏi nhân sự phải phát triển kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, tiếp thu nhanh và đặc biệt thông thạo ngoại ngữ.

=> Du học ngành quản trị khách sạn chính là con đường nhanh nhất để hoàn thiện những kỹ năng này. Các quốc gia phát triển mạnh về du lịch đã đi trước Việt Nam hàng chục năm đào tạo ngành quản trị khách sạn. Đi du học tại những quốc gia này bạn sẽ có sự chuẩn bị hoàn hảo để bước vào thị trường lao động chuyên nghiệp.

Nhu cầu nhân sự ngành khách sạn
Ngành khách sạn có nhu cầu nhân sự cao